Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Điện ảnh Việt: “Khát” trường quay


KTĐT - Ở nước ta đã có một số phim trường, song cơ sở vật chất sơ sài, thiếu thốn, không thể đáp ứng được nhu cầu làm phim ngày càng đi lên của điện ảnh. Thế nên, giới làm phim vẫn không thôi "than" rằng cái khó, cái khổ lớn nhất khi sản xuất phim tại Việt Nam không phải là vấn đề kịch bản, đạo diễn, diễn viên, mà là việc tạo dựng bối cảnh phù hợp.
Đau đầu vì bối cảnh

Trong điều kiện hiện nay, các nhà sản xuất phim phải chịu rất nhiều sức ép, trong đó, áp lực về kinh phí và tạo dựng bối cảnh nặng nề nhất. Nếu Việt Nam có trường quay xứng tầm, một số phim lịch sử chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như "Đường tới thành Thăng Long", "Khát vọng Thăng Long", "Huyền sử thiên đô", "Thái sư Trần Thủ Độ" không phải "lặn ngòi ngoi nước" sang tận Trung Quốc thuê trường quay Hoàng Điếm. Rồi để sản xuất 19 tập phim "Lý Công Uẩn", nhà sản xuất phải thuê may gần 700 bộ trang phục cổ, thuê đạo cụ và hàng trăm diễn viên quần chúng ở Trung Quốc. Kết quả, kinh phí của bộ phim đã "đội lên" khoảng 100 tỷ đồng, nhưng vẫn phải chỉnh sửa, cắt gọt để loại yếu tố Trung Hoa và "nêm" thêm "vị" Việt.


Đạo diễn Lưu Trọng Ninh khi nhận lời chỉ đạo sản xuất phim "Khát vọng Thăng Long" cũng phải đầu tư không ít công sức để tạo dựng lại bối cảnh cổ xưa cho phù hợp với kịch bản. Tốn kém chi phí, nhưng khi đoàn phim dời đi cũng là lúc bối cảnh bị xóa. Lẽ ra, việc xây dựng đa dạng những quang cảnh trong một phim trường lớn, được bảo quản cẩn thận để các đoàn phim sau có thể tiếp tục khai thác sử dụng, mới mong phát huy được hiệu quả từ phim trường và các đoàn phim cũng tiết kiệm được chi phí.

Mong ước bao giờ thành?


Nhìn ra khu vực, hầu hết các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, đều dành hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha đất để xây trường quay với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bối cảnh đa dạng. Một ngày, phim trường có thể tiếp nhận nhiều đoàn phim đến quay cùng lúc. Đặc biệt, ở Ấn Độ đã thành công trong việc kết hợp phim trường và du lịch để khai thác tối đa lợi nhuận.

Không phải đến bây giờ người ta mới nhìn ra giá trị của trường quay đối với sự phát triển của điện ảnh. Bằng chứng, hàng loạt dự án xây trường quay đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hầu hết còn ngổn ngang và mới chỉ hoàn thiện ở giai đoạn đầu. Dự án trường quay của HTV có diện tích gần 50ha tại Củ Chi, được giao đất từ năm 2001, nhưng hiện nay, cơ sở vật chất vẫn chưa có gì ngoài những rừng cây. Dự án trường quay Cổ Loa với diện tích 15ha, sau một thời gian dài bỏ hoang, mới đây, xây dựng xong giai đoạn 1 với kinh phí 106 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Bộ VHTT&DL. Còn dự án Happyland tại Long An, hứa hẹn là trường quay lớn nhất Việt Nam với diện tích 1.200ha, mới trong giai đoạn hoàn thành giải phóng mặt bằng 350ha... Và khi nói đến trường quay, không thể không nhắc đến phim trường ở Hóc Môn của Hãng phim Chánh Phương với nhiều dụng cụ ánh sáng và phương tiện theo tiêu chuẩn của Hollywood. Nhờ có trường quay riêng, hãng phim này đã nhận được những "trái ngọt" bằng việc ra mắt nhiều bộ phim hành động tạo "cơn sốt" ngoài rạp như "Dòng máu anh hùng", "Bẫy rồng"…

Dễ dàng nhìn thấy, điện ảnh sẽ còn nhiều hạn chế nếu không có không gian hoạt động riêng cho các đơn vị sản xuất phim. Điều này như lời thúc giục những người có trách nhiệm với điện ảnh Việt quan tâm hơn với việc đầu tư xây phim trường./.
 
Hồng Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét