Trang

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Thăm phim trường Trung Quốc...

Phải công nhận một điều, điện ảnh Trung Quốc phát triển vượt bậc là nhờ vào sự đầu tư quy mô và nghiêm túc không chỉ từ phần kịch bản mà còn cả trường quay. Bởi vậy, khi nói đến phim kiếm hiệp, lịch sử hay dã sử, không nước nào trên thế giới có thể vượt qua Trung Quốc, cũng như khi nói đến phim hành động thì không ai vượt qua “bàn tay phù thủy” của Hollywood vậy.


Ai đã từng đến thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc đều biết đến phim trường nổi tiếng của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc được xây dựng quanh phạm vi rộng lớn của Thái Hồ - một trong bốn hồ nước ngọt có diện tích bề mặt lớn nhất Trung Quốc. Đây là một trong những phim trường lớn để quay các bộ phim dã sử, lịch sử của Trung Quốc như: Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, Tiếu ngạo giang hồ, Địch Nhân Kiệt, Anh hùng xạ điêu...
*
Cổng vào phim trường Vô Tích.           Ảnh: HL

Được khởi công xây dựng năm 1987, phim trường Vô Tích chia thành nhiều khu vực. Có thể nói nó giống như một quần thể phim trường trong phim trường bởi ngoài phim trường trung tâm còn có 10 phim trường phụ được xây dựng theo các chuyên đề khác nhau, miêu tả cuộc sống của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Trong khung cảnh thiên nhiên là những phố xá, thành trì, cung điện, nhà dân, chùa chiền... mang đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử như đời Hán có cung điện Ngô Vương, Hán đỉnh, Tào doanh, Thủy trại; đời Đường có Ngự hoa viên, hồ Thanh Hoa; đời Tống có chùa Đại tướng quốc, Thủy trại Lương Sơn Bạc; Các công trình kiến trúc theo mẫu hai triều Minh, Thanh; Tứ hợp viện Bắc Kinh, phố xưa Thượng Hải... và các khung cảnh tái hiện lại đời sống sinh hoạt của người dân xưa với đầy đủ các đạo cụ, phục trang... Để hỗ trợ việc quay các bộ phim Đường Minh Hoàng,Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử, vào các năm 1991, 1994 và 1996, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tiếp tục bỏ thêm kinh phí xây dựng các khu: Đường thành, Tam quốc thành và Thủy hử thành. Mỗi năm, phim trường Vô Tích đón cả trăm đoàn phim đến đây dựng cảnh, quay phim.
Mặc dù tổng số tiền đầu tư xây dựng phim trường Vô Tích lên tới trên 200 triệu USD, nhưng dựa vào sự hùng vĩ, rộng lớn của Thái Hồ, khu phim trường này đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch với nguồn thu rất lớn. Trung bình mỗi ngày, có từ 20.000 - 30.000 khách du lịch đến đây tham quan. Ngoài việc tham quan xưởng chế tác phim, được chứng kiến nguyên vẹn nhiều bối cảnh hoành tráng xuất hiện trong các bộ phim nổi tiếng, du khách còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các diễn viên mình yêu thích. Các đoàn du khách nước ngoài có thể hợp đồng đến xem các diễn viên đang đóng phim tại phim trường cũng như kết hợp giao lưu, tặng ảnh và chữ ký hoặc họp mặt fan club. Đây rõ ràng là một cách làm du lịch văn hóa kết hợp với cảnh quan thiên nhiên không những thú vị mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, nguồn thu chủ yếu của cả thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô là từ chính những khu phim trường này.

Và mơ phim trường Việt Nam
Thăm phim trường nước bạn rồi nghĩ đến phim trường nước ta mới thấy thật đáng buồn. Trong khi họ có hàng chục, thậm chí hàng trăm phim trường với quy mô lớn nhỏ khác nhau thì ở Việt Nam, khi cần quay một bộ phim nào, phim trường thường được các đạo diễn “mượn tạm” là... nhà dân. Hiện cả nước mới chỉ có một phim trường Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) do Nhà nước đầu tư và nước ngoài giúp xây dựng cách đây đã... 30 năm. 5 năm trở lại đây, một số công ty tư nhân có đầu tư xây dựng phim trường nhưng lại tập trung hầu hết ở TP.HCM như: phim trường Cánh đồng ước mơ do Công ty Trí Việt đầu tư với kinh phí 20 triệu USD (khởi công năm 2005), phim trường của hãng phim Nguyễn Chánh Tín... Còn ở phía Bắc, Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) liên kết với một công ty tư nhân xây dựng phim trường ở Hưng Yên. Phim trường này đã khánh thành cuối tháng 11/2007, rộng 700m2 với 10 phòng quay để thay đổi cảnh. Tuy nhiên, so với phim trường Trung Quốc thì quy mô phim trường của ta còn nhỏ bé và nghèo nàn.
Các phim trường hiện ta đang có chủ yếu tập trung bối cảnh nội, diện tích chật hẹp thay vì trường quay với những bối cảnh cố định, được quy hoạch và giữ lại cho nhiều đoàn làm phim cùng sử dụng. Vì thế, ngay cả khi quay tại phim trường, các nhà làm phim cũng rất vất vả trong việc chọn bối cảnh, thay đổi bối cảnh, tìm kiếm đạo cụ, phục trang cho phim... Đặc biệt, với những bộ phim lịch sử, tìm bối cảnh là nỗi khổ lớn của dân trong nghề. Bởi bối cảnh cho phim lịch sử không chỉ yêu cầu đẹp mà còn phải đúng.
Không có phim trường nên mọi thứ phải dựng lại, phải làm giả hoặc “ăn sẵn” bối cảnh. Các di tích lịch sử văn hóa trong nước bị tận dụng tối đa cho việc làm phim lịch sử, gây bao cảnh dở khóc dở cười mà gần đây nhất là trường hợp đoàn phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ bị dư luận lên án vì đã xúc phạm chốn tôn nghiêm, dọn dẹp nơi thờ tự vua Minh Mạng để làm trường quay. Trường quay trong nước không có, mang sang nước ngoài quay cũng không xong. Đoàn phim truyền hình Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long (Công ty Trường Thành sản xuất) cũng từng chấp nhận tốn kém sang tận phim trường Hoành Điếm của Trung Quốc để quay nhưng hiệu quả không được như ý vì kiến trúc cổ ở mỗi nước mỗi khác.
Rõ ràng, ngành nghệ thuật thứ 7 của Việt Nam đang đứng trước nhiều đòi hỏi về một cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp mà trước mắt, cấp thiết nhất vẫn là một phim trường đa năng, hiện đại...  
Hoàng Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét